Đó là những kết quả đầy ấn tượng mà Vĩnh Phúc đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019.
GRDP tăng cao nhất 4 năm trở lại đây
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc phát triển tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) có mức tăng cao nhất kể từ năm 2015 trở lại đây, tăng 8,52% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn 1,24% so với năm 2015. “Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quán triệt quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” đến tất cả các cấp, các ngành, địa phương; kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và cải thiện môi trường đầu tư. Xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho từng quý; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển”, ông Lê Duy Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Tổng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 21.632 tỷ đồng, tăng 12,73% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong số 10 ngành công nghiệp chủ lực, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục có những bứt phá ngoạn mục với mức tăng 49,2% do số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này tăng và doanh số bán hàng, thị trường tiêu thụ của các công ty sản xuất linh kiện điện tử được mở rộng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thu hút đầu tư FDI, Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Sáu tháng đầu năm, tỉnh đã vượt xa chỉ tiêu thu hút đầu tư FDI và xấp xỉ đạt mục tiêu của cả năm 2019. Cụ thể, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 84 dự án đầu tư, trong đó có 60 dự án FDI, tổng vốn 422, 11 triệu USD, tăng gần 72% cùng kỳ năm 2018 và đạt gần 85% mục tiêu thu hút vốn FDI của cả năm 2019; cấp 20 giấy chứng nhận đầu tư mới cho các dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 5.055 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án, tổng vốn đăng ký 43,96 tỷ đồng, tăng 131,3% cùng kỳ năm ngoái và tăng xấp xỉ 70% về vốn so với mục tiêu năm 2019.Để đạt được kết quả này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc, tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nắm bắt thông tin, nhu cầu đầu tư. Từ đó, xác định rõ các thị trường tiềm năng và nhà đầu tư mục tiêu, tập trung xúc tiến đầu tư vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và hướng sang một số nước như: Australia, New Zealand, Italia, Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt mục tiêu đến năm 2020 có 10.000 doanh nghiệp. Thế nhưng nhờ môi trường đầu tư được cải thiện, các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp phát huy hiệu quả, đến nay, Vĩnh Phúc đã vượt chỉ tiêu này, với 570 doanh nghiệp được thành lập mới trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký trên 4.348 tỷ đồng, tăng 6,7% về số doanh nghiệp và 33% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến hết 30/6, toàn tỉnh có 10.142 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 93.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, trong đó, có 7.302 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao cấp lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đưa tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 15.600 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tạo bước đột phá mới sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Ông Lê Duy Thanh Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, Vĩnh Phúc sẽ chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện các nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư các điều kiện cần thiết để sớm đi vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Đôn đốc các dự án khởi công xây dựng vào cuối năm 2018 khẩn trương triển khai theo đúng tiến độ. Tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cơ khí, sản xuất điện tử, công nghệ cao.Triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên. Xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến KCN Chấn Hưng để thực hiện thu hồi giao chủ đầu tư. Rà soát các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp để có các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, du lịch.Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì thị trường truyền thống, đồng thời liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với các dự án đầu tư công đã được giao kế hoạch vốn, các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, lập hồ sơ khối lượng hoàn thành để giải ngân và hoàn vốn tạm ứng. Quyết liệt giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và các dự án khác đã được bố trí vốn và đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng. Kiên quyết thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp đủ điều kiện để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh…./.